10 phụ tùng, bộ phận thay thế định kỳ trên ô tô
Posted 9/13/2021 12:00:00 AM By Admin / Category: Blog Phụ tùng ô tô
Phụ tùng tiêu hao nhanh trên ô tô
Nội dung chính
Các phụ tùng ô tô phải thay thế định kỳ
Chiếc
xe của bạn được cấu thành lên từ hàng chục ngàn bộ phận và chi tiết
khác nhau, trong đó mỗi chi tiết, bộ phận lại có vai trò, nhiệm vụ nhất
định. Và chắc chắn một điều rằng bất kỳ một bộ phận hay chi tiết nào gặp
trục trặc hay “hết hạn sử dụng” thì đều gây nên những ảnh hưởng nhất
định đối với xế yêu của bạn.
Vì vậy việc nắm được “tuổi thọ” và thời gian định kỳ để thay thế các chi tiết, bộ phận trên ô tô là vấn đề có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho chiếc xe của bạn. Tuy nhiên, rất nhiều chủ xe không hề để ý đến vấn đề này, mà chỉ tiến hành sửa chữa, thay thế các bộ phận khi gặp những tình huống bất khả kháng như đâm đụng, tai nạn hay khi thấy chiếc xe gặp phải những sự cố bất thường trong quá trình vận hành.
Và điều này có thể dẫn đến hậu quả nặng nề là khi bạn phát hiện ra chiếc xe gặp trục trặc thì khi đó nó đã bị tổn thương nghiêm trọng, thậm chí là những hư hỏng mang tính hệ thống ở nhiều bộ phận (mà lẽ ra nó đã không xảy ra nếu như bạn tiến hành bảo dưỡng và thay thế định kỳ đối với những bộ phận dễ bị hao mòn). Do đó, điều quan trọng là cần phải nắm được thời gian thay thế định kỳ đối với các bộ phận trên chiếc xe của bạn.
Thông thường, các nhà sản xuất thường đưa ra những yêu cầu thay thế đối với những bộ phận dễ bị tiêu hao, sự cố, trong đó cần đặc biệt chú ý đến việc thay thế định kỳ một số bộ phận cơ bản sau:
1. Chu kỳ thay thế các dây đai chuyển động - dây curoa
Chức năng chủ yếu và quan trọng nhất của các dây đai chuyển động hay còn gọi là dây curoa là
thực hiện nhiệm vụ kéo, kết nối giữa các bánh răng, trục…, vì vậy chúng
liên tục phải làm việc dưới tác động của các xung lực nên sau một thời
gian các dây đai chuyển động sẽ bị mòn, rão, lão hóa và gây nên những
trục trặc trong quá trình vận hành của xe. Vì vậy, thông thường các nhà
sản xuất đều khuyến cáo nên thay thế các dây đai chuyển động sau khi xe
đã vận hành được từ 60.000 - 80.000Km hoặc sau quãng thời gian khoảng 5
năm sử dụng để đảm bảo an toàn.
2. Chu kỳ thay thế bugi
Đối với các loại bugi thông thường, tuổi thọ của chúng thường kéo dài được khoảng 30.000 Km, đối với bugi bạch kim, thời gian sử dụng khoảng 80.000Km.Do đó, khi thấy xe đã vận hành đạt đến quãng đường trên thì cần tiến hành thay thế bugi, vì khi bugi bị hư hỏng có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình vận hành của xe (Xem thêm bài viết Những lưu ý khi bảo dưỡng, thay thế bugi ô tô)
3. Chu kỳ thay thế ắc quy ô tô
Việc thay thế ắc quy phụ thuộc vào các điều kiện vận hành thực tế của xe. Nếu xe của bạn thường xuyên chạy đường dài thì tuổi thọ của ắc quy có thể kéo dài từ 3-4 năm mà không hề xảy ra trục trặc. Tuy nhiên nếu xe chủ yếu chạy trên các tuyến đường phố đông đúc thì tuổi thọ ắc quy có thể giảm đi đôi chút, kéo dài từ 2-3 năm. Tại các vùng khí hậu lạnh, nhiệt độ thấp cũng có thể làm cho tuổi thọ của ắc quy giảm. Do đó sau khoảng thời gian từ 2-3 năm bạn cần tiến hành kiểm tra để xác định tình trạng kỹ thuật của ắc quy để kịp thời bảo dưỡng, thay thế, tránh hiện tượng xảy ra hỏng hóc không thể khởi động xe.
Ắc quy ô tô cần thay thế sau khoảng 3-4 năm
4. Chu kỳ thay thế các chế phẩm từ cao su
Rất nhiều bộ phận trên xe của bạn được chế tạo từ cao su, như các loại ống dẫn, dây điện, các loại gioăng cánh cửa, gioăng kính chắn gió, nẹp chân kính, cao su chân máy… Trong khi đó, một trong những đặc tính quan trọng của cao su là thường sẽ bị lão hóa sau khoảng thời gian từ 5-6 năm. Khi hiện tượng lão hóa xảy ra sẽ khiến cho cao su bị mất tính đàn hồi, nứt, gãy…, chưa kể những bộ phận bằng cao su phải thường xuyên tiếp xúc với điều kiện làm việc ở nhiệt độ cao hoặc chịu ma sát lớn thì quá trình lão hóa, hư hỏng có thể xảy ra nhanh hơn. Do đó, các bộ phận, chi tiết được chế tạo từ cao su nên được thay thế sau khoảng 5 năm vận hành, bên cạnh đó, việc kiểm tra thường xuyên trong mỗi lần bảo dưỡng định kỳ cũng cần được đặc biệt quan tâm để kịp thời phát hiện những bộ phận được chế tạo từ cao su đã bị lão hóa, xuống cấp để kịp thời thay thế.
5. Chu kỳ thay thế lốp xe
Đặc tính của cao su là trong điều kiện môi trường tự nhiên sẽ báo phế sau 6 năm, lốp xe ô tô cũng không ngoại lệ, chưa kể đến việc trong quá trình hoạt động, lốp xe là bộ phận thường xuyên phải chịu tải nặng, chịu lực ma sát lớn do tiếp xúc với mặt đường. Vì vậy nếu xe hoạt động liên tục, lốp xe cần được thay thế khi xe vận hành được khoảng 100.000Km, nếu xe không hoạt động thường xuyên thì sau 4 năm, lốp xe cũng cần được thay thế để đảm bảo an toàn trong quá trình lưu thông, tránh những rủi ro, tai nạn không đáng có.
6. Chu kỳ thay thế bộ giảm xóc (phuộc nhún)
Tuy nhiên sau một thời gian sử dụng, giảm xóc hay phuộc nhún cũng dần mất đi tác dụng của nó. Tùy thuộc vào điều kiện đường sá, thói que sử dụng của lái xe và công nghệ, vật liệu chế tạo của từng loại giảm xóc mà chúng cũng có thời gian sử dụng khác nhau. Tiêu chí để thay thế bộ giảm xóc trên xe ô tô là khi xảy ra hiện tượng giảm xóc bị rò dầu làm mất tác dụng giảm xóc.
Theo khuyến cáo, giảm xóc trên xe nên được thay thế khi xe vận hành được từ 80.000 - 100.000 Km. Tuy nhiên không phải lúc nào giảm xóc cũng có thể đạt đến ngưỡng tuổi thọ của nó, vì vậy, trong quá trình xe vận hành bạn cần chú ý một số dấu hiệu như: xe bị nhún mạnh khi phanh gấp; hiện tượng xe bị lắc lư mạnh khi đi qua chỗ xóc; hiện tượng lốp mòn không đều… Đây là những dấu hiệu cho thấy có thể bộ giảm xóc của bạn đã gặp vấn đề và cần phải tiến hành bảo dưỡng, thay thế.
7. Chu kỳ bảo dưỡng phanh hệ thống phanh
Hệ thống phanh có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành xe. Đối với các loại phanh ma sát, trong điều kiện vận hành bình thường, thì sau khi vận hành được khoảng 70.000 – 80.000Km thì nên kiểm tra độ mòn của má phanh và đĩa phanh. Khi thấy má phanh có độ dày dưới 7mm hoặc khi nhấn bàn đạp phanh thấy có tiếng kêu thì nên thay thế má phanh ngay lập tức.
Thay thế định kỳ má phanh, đĩa phanh
Tuy nhiên, độ hao mòn của má phanh và đĩa phanh còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện đường sá và thói quen vận hành của lái xe. Trong điều kiện xe vận hành nhiều ở vùng đồi núi, có độ dốc lớn thì khi vận hành được khoảng 30.000 – 40.000Km thì cần tiến hành kiểm tra má phanh và đĩa phanh, nếu thấy độ dày của má phanh dưới 7mm thì cần thay thế. Má phanh trước và má phanh sau cũng có chu kỳ thay thế khác nhau. Thông thường sau 2 lần thay thế má phanh trước thì sẽ tiến hành thay thế má phanh sau; thay thế má phanh 2 lần thì sẽ tiến hành thay thế đĩa phanh.
8. Chu kỳ thay thế các bộ phận của ly hợp
Ly
hợp là bộ phận quan trọng của hệ thống truyền động, đóng vai trò trung
gian trong việc truyền mô men lực từ động cơ đến bánh xe chủ động. Ly
hợp sử dụng phổ biến trên các loại xe ô tô con là loại ly hợp ma sát,
loại ly hợp này thường có cấu tạo gồm các bộ phận cơ bản như: lá côn (đĩa ma sát), bàn ép (đĩa
ép, mâm ép) và bi T. Trong đó đĩa ma sát hay còn gọi là lá côn là bộ
phận trực tiếp tiếp xúc với bánh đà. Sau một thời gian sử dụng, do
thường xuyên chịu lực ma sát, lá côn và bàn ép sẽ dần bị hao mòn. Cùng
với đó, lực đàn hồi của lò xo trong bộ ly hợp cũng dần bị giảm đi theo
thời gian. Sự hao mòn của lá côn và bàn ép (đĩa ép, mâm ép) ly hợp cũng
liên quan đến môi trường và thói quen lái xe. Thông thường, khi xe hoạt
động được từ 80.000 - 120.000Km thì cần thay thế má phanh.
Ly hợp cần được bảo dưỡng, thay thế sau 80-120.000Km
Đối với những trường hợp lái xe có thói quen rà chân côn thì tuổi thọ của lá côn và bàn ép sẽ ngắn hơn. Do đó, khi thay thế bộ ly hợp cần tiến hành thay thế cả 3 bộ phận trên cùng lúc để đảm bảo hiệu quả tối ưu của ly hợp.
9. Chu kỳ thay thế bộ gạt nước
Chức năng của hệ thống gạt nước rửa kính là giúp gạt nước mưa trên kính chắn gió phía trước và kính sau ô tô, đồng thời giúp làm sạch bụi bẩn bám trên kính, đảm bảo cho quá trình quan sát của người lái được thuận lợi nhất. Do vậy nó có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo tầm nhìn và độ an toàn trong quá trình vận hành xe.Đối với các loại gạt nước thông thường, tuổi thọ của bộ gạt nước là khoảng 6 tháng. Với các bộ gạt nước cao cấp, tuổi thọ của nó có thể kéo dài đến 2 năm.
Cần thay thế định kỳ bộ gạt nước
Tiêu chí để thay thế gạt nước là khi phát hiện thấy gạt nước để lại vết hằn trên kính. Việc thay thế bộ gạt nước, như: cần gạt nước, lưỡi gạt và chổi gạt nước là khá đơn giản và bạn hoàn toàn có thể thực hiện tại nhà.
10. Chu kỳ thay thế bộ lọc gió động cơ
Bộ lọc gió động cơ có vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động của động cơ, nhiệm vụ của nó là lọc sạch bụi bẩn và các tạp chất trong không khí, giúp cho không khí đi vào động cơ là tương đối sạch. Vì vậy, lọc gió động cơ là cánh cổng đầu tiên không khí phải đi qua khi vào bộ phận khởi động.
Thông thường, theo khuyến cáo của các nhà sản xuất, khi xe vận hành được khoảng 10.000Km thì cần tiến hành kiểm tra lọc gió động cơ và nên thay thế bộ lọc sau khi xe vận hành được khoảng 20.000Km.
Việc thay thế bộ lọc gió động cơ là tương đối đơn giản và bạn hoàn toàn có thể tự thực hiện được mà không cần phải mang đến gara.Ngoài ra, các bộ phận khác như: cảm biến oxy, cảm biến nhiệt độ, cảm biến ga, đồng hồ đo lưu lượng không khí… cũng cần được được kiểm tra và bảo dưỡng, thay thế theo sự tư vấn của các xưởng sửa chữa sau khi xe đã vận hành được trên 100.000Km hoặc trên 5 năm.
phụ tùng ô tô
Các bài viết khác
- Tìm hiểu phụ tùng chính hãng, phụ tùng OEM và phụ tùng độ bên thứ ba - 13/09/2021
- Ưu nhược điểm của hộp số sàn, số tự động - 13/09/2021
- Những lưu ý cần thiết khi mua linh kiện và phụ tùng cho xe - 12/09/2021
- Honda Civic đi 10 vạn 10.000 km bảo dưỡng gì - 12/09/2021
- Lựa chọn phụ tùng ô tô chính hãng hay không chính hãng - 05/08/2021
- Làm thế nào để thay thế bộ lọc không khí ô tô - 02/06/2021
- Tra mã phụ tùng ô tô Mazda - 01/03/2021
- Tra mã phụ tùng ô tô Hyundai - 01/03/2021
- Tra mã phụ tùng ô tô Kia - 01/03/2021
- Tra mã phụ tùng ô tô Ford - 01/03/2021